Các nền kinh tế APEC đồng thuận giải pháp chống trốn thuế
Bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017, Hội thảo về triển khai thực hiện chương trình hành động về xói mòn và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) trong APEC đã được nước chủ nhà Việt Nam tổ chức.

Bên lề Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017, Hội thảo về triển khai thực hiện chương trình hành động về xói mòn và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) trong APEC đã được nước chủ nhà Việt Nam tổ chức.

Việc các nền kinh tế APEC ngồi lại để tìm kiếm giải giáp chống trốn thuế không phải ngẫu nhiên, mà là nhu cầu nội tại của nhiều quốc gia, trong đó có các nền kinh tế APEC.

Thất thu thuế hàng trăm tỷ USD mỗi năm

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, qua tổng kết thực tiễn, hành vi làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thường do các công ty đa quốc gia thực hiện. Các phương thức tránh thuế bằng việc khai thác các khoảng trống, quy định thiếu đồng bộ trong các chính sách, quy định về thuế để làm giảm lợi nhuận chịu thuế, hoặc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia, lãnh thổ có ít, hoặc không có hoạt động kinh tế thực chất, nhưng lại là nơi có mức thuế thấp, hoặc được miễn thuế nhằm giảm thiểu số thuế TNDN phải nộp của tập đoàn.

“Theo Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), số thuế bị mất do hành vi làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài mỗi năm ít nhất từ 100 đến 240 tỷ USD, tương đương 4 - 10% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hàng năm. Đối với các nước đang phát triển - những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ thuế TNDN, thì tác động của BEPS là rất lớn”, ông Minh cho biết.

Trước những tác động tiêu cực trên đây, sáng kiến BEPS trong khuôn khổ hợp tác tài chính APEC lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự tại Peru 2016. APEC 2016 tập trung vào khuyến khích các nền kinh tế thành viên áp dụng các chuẩn mực về minh bạch thuế và ký kết tham gia Công ước hỗ trợ hành chính về các vấn đề thuế (MAAC) và hiệp định giữa các cơ quan có thẩm quyền về trao đổi báo cáo giữa các quốc gia.

Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tại Peru năm 2016 đã cam kết với nỗ lực cao nhất để giải quyết vấn đề trốn thuế, lậu thuế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với quyết tâm đó, tuyên bố chung khuyến khích các nền kinh tế APEC tăng cường tính liêm chính của hệ thống thuế bằng việc áp dụng các chuẩn mực về minh bạch thuế đã được quốc tế nhất trí, và ký kết các văn kiện để trao đổi thông tin giữa các quốc gia.

“Chúng tôi hoan nghênh việc thành lập khung khổ toàn diện của OECD/G20 về chống trốn lậu thuế qua xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Theo đó, các nền kinh tế thành viên cam kết thực hiện dự án BEPS có thể hợp tác bình đẳng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi rộng khắp và nhất quán các biện pháp về BEPS. Chúng tôi nhận thấy rằng, các nền kinh tế đang phát triển vẫn phải đối diện với các thách thức nội tại trong việc xây dựng năng lực và khung pháp lý cần thiết. Chúng tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nền kinh tế phát triển tiếp tục hỗ trợ giải quyết các vấn đề này”, tuyên bố chung nêu rõ.

Tham gia BEPS là một giải pháp chống trốn thuế

Theo nhận định của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Đến năm 2018, phần lớn các FTA (Hiệp định Thương mại tự do) mà Việt Nam đã ký kết sẽ bước vào giai đoạn xóa bỏ và cắt giảm thuế quan sâu, điều này có tác động tới tình hình thu NSNN. Do đó, việc nghiên cứu triển khai các giải pháp cụ thể, trong đó để hướng tới một hệ thống thu ngân sách bền vững, hiệu quả là cần thiết.

Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc triển khai Chương trình BEPS góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của ngành Thuế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; đặc biệt để chuẩn bị các điều kiện về thể chế và quản lý của ngành Thuế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

“Điều này cũng giúp ngành Thuế ứng phó kịp thời với những tác động của quá trình hội nhập, trên cơ sở đề xuất một số giải pháp về chính sách và nộp thuế thông qua hành vi chuyển giá, rủi ro thất thu thuế từ các giao dịch qua biên giới, ngăn ngừa việc lợi dụng các quy định về cơ sở thường trú, ưu đãi, miễn giảm của hiệp định thuế để trốn, tránh thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, ngăn ngừa việc lợi dụng chi phí lãi vay nội bộ để tối thiểu hóa lợi nhuận tính thuế”, ông Nam cho biết.

Chính vì tầm quan trọng của việc triển khai chương trình BEPS, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban Công tác về triển khai Chương trình hành động BEPS. Theo đại diện Tổng cục Thuế, các biện pháp trong chương trình hành động chống trốn thuế đó là: Yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia báo cáo theo từng nước, là cơ chế lần đầu tiên cho phép cơ quan thuế các nước có được một bức tranh toàn cầu về các hoạt động của các công ty đa quốc gia; tiếp đến là các biện pháp ngăn chặn; hạn chế những ưu đãi có tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư quốc tế; các thủ tục giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận song phương có hiệu quả, nhằm tránh trường hợp đánh thuế hai lần…

Thông qua cơ chế phối hợp vào tháng 10/2017

Hội thảo về triển khai thực hiện chương trình hành động BEPS trong APEC vừa được nước chủ nhà Việt Nam tổ chức tại Nha Trang ngày 22/2/2017 đã thu hút gần 100 đại biểu tham gia, bao gồm đại biểu quốc tế là quan chức tài chính, chuyên gia thuế của các nền kinh tế APEC, chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức OECD và nhiều đại biểu trong nước đến từ Tổng cục Thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội… Kết thúc hội thảo, các đại biểu thống nhất tăng cường hợp tác và trao đổi về chủ đề BEPS. Việc thông qua kiến nghị về cơ chế phối hợp, hay tăng cường hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật để thực thi Chương trình hành động BEPS trong APEC sẽ được thông qua vào tháng 10/2017.


  • Copyright © 2016 by Supcom Vietnam . All rights reserved.